Mộc Liên Hà, một làng nghề truyền thống của Đan Phượng, đã bắt đầu từ chợ gỗ TAVICO cho hành trình chinh phục thị trường phía Nam.
Sản xuất, kinh doanh tại làng nghề mộc Liên Hà đang chậm lại. Ông Nguyễn Văn Nhự, Chủ tịch làng nghề mộc Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, đơn hàng về ít hơn trong hai tháng đầu năm 2020, giảm tới 50% so với trước Tết nguyên đán. Trong khi đó, việc giới thiệu tới khách hàng những sản phẩm tốt nhất của làng nghề truyền thống có thể sẽ từng bước tạo ra phân khúc riêng, mang lại những giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm gỗ của làng nghề truyền thống.
Cuối năm 2020, anh Nguyễn Trọng Hiếu và 7 hộ sản xuất khác, đại diện cho làng nghề Liên Hà, thuộc huyện Đan Phượng của Hà Nội, đưa những sản phẩm có thế mạnh, chủ yếu là giường và tủ, vào bày bán ở chợ đầu mối Gỗ Tây của Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) thuộc tỉnh Đồng Nai. Bây giờ, anh Hiếu nói “Chúng tôi đang từng bước tạo ra các mối liên kết, giữa các hộ sản xuất trong Liên Hà và giữa làng nghề với các doanh nghiệp gỗ ở phía Nam, để quảng bá sản phẩm và bán hàng”. Sự xuất hiện của làng nghề Liên Hà của Hà Nội tại chợ gỗ Tây thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp gỗ, góp phần tạo ra nhận thức mới cho các làng nghề truyền thống về việc sử dụng gỗ hợp pháp. Quá trình liên kết có thể giúp làng nghề xây dựng được thương hiệu và giá trị thông qua các hoạt động nắm bắt xu hướng thị trường, tầm quan trọng của mẫu mã thiết kế, mức chi chi tiêu của người tiêu dùng nội địa.
Doanh nghiệp có thêm không gian để phát triển mạnh hơn về thương hiệu và giá trị, nhưng khai thác thị trường phía Nam bằng cách nào, làm thế nào nắm bắt được xu hướng sử dụng sản phẩm gỗ của người tiêu dùng trong khu vực này, trong khi các phân khúc thị trường phía Nam đã được phân định rõ, gu thẩm mỹ và các mức chi chi tiêu cũng khác người tiêu dùng phía Bắc ? Liên Hà đã có những khảo sát, xây dựng chiến lược kinh doanh khi xúc tiến vào thị trường phía Nam. Trao đối với Gỗ Việt, anh Lê Phi Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Mộc Đan Phượng, một công ty của làng nghề Liên Hà, cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn do chưa quen thị trường và sản phẩm làng nghề truyền thống Bắc bộ còn mới mẻ với khách hàng phía Nam”. Chắc chắn Liên Hà chưa thể bán được ngay sản phẩm của mình khi thị trường phía Nam còn lạ lẫm với sản phẩm làng nghề truyền thống đến từ phía Bắc. Những lợi thế về tay nghề hay sử dụng nguyên liệu hợp pháp, cũng chưa thể bù đắp được chi phí vận chuyển từ Hà Nội vào Đồng Nai. Điều quan trọng đối với sản phẩm của làng nghề là phải có năng lực thiết kế và không phải lúc nào Liên Hà cũng làm được.
Ông Nguyễn Văn Khải - Trưởng ban quản lý Cụm công nghiệp làng nghề mộc Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội, cho biết, thị trường đầu ra của sản phẩm tại làng nghề trước đây tập trung chủ yếu vào thị trường ngoài Bắc, một số ít sản phẩm được bán ở thị trường phía Nam, nhưng ít người biết xuất xứ những sản phẩm này. Liên kết của Công ty Mộc Đan Phượng với chợ gỗ TAVICO góp phần quảng bá rộng rãi thương hiệu Làng nghề của Đan Phượng.
Dù vậy, việc đưa những sản phẩm mang thương hiệu làng nghề Liên Hà đến gần hơn thị trường phía Nam, một thị trường sôi động, sẽ tạo ra những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp của làng nghề này. Hơn nữa, thị trường phía Nam có nhiều tiềm năng mà các làng nghề chưa khai khác. Hiện nay, Mộc Liên Hà đang tiếp cận với các đại lý trong khu vực để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. “Chợ gỗ TAVICO không chỉ giúp quảng bá sản phẩm làng tới thị trường phía Nam mà còn tạo điều kiện giúp chúng tôi tư vấn trực tiếp cho khách hàng, thậm chí rút ngắt thời gian chốt đơn và giao hàng”, anh Hiếu nói thêm.
Tại Việt Nam từng có một vài mô hình liên kết giữa làng nghề và doanh nghiệp gỗ được triển khai, khi họ nhận thấy liên kết là yếu tố “sống – còn” để trụ lại được sau dịch bệnh, trước khi tính đến bài toán phát triển bền vững. Tuy nhiên, các mô hình liên kết này còn rất mới, tập trung vào một vài nhà cung ứng nguyên liệu gỗ. Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu năm 2021, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của thị trường nội địa trong vai trò là một bệ đỡ cho ngành gỗ. Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch TAVICO, nói rằng, có thể tận dụng cơ hội này để “cân đối lại lợi ích giữa các chuỗi trong ngành gỗ”.
Trong điều kiện mới này, ông Hà thấy rằng nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cũng có kế hoạch đưa sản phẩm vào thị trường nội địa nhưng gặp nhiều khó khăn do không tìm được kênh phân phối phù hợp, không thể mở cửa hàng bán lẻ vì chi phí mặt bằng cao, dẫn đến đội giá sản phẩm, làm mất ưu thế cạnh tranh giá. Thêm nữa, lượng đặt hàng từ nhà bán lẻ nội địa còn ít, không thể đưa vào sản xuất hàng loạt.
Các chính sách phát triển ngành gỗ vẫn tập trung vào chế biến xuất khẩu, nhưng thực tế đang yêu cầu một chính sách cân bằng hơn, tạo điều kiện cho các chuỗi cùng phát triển. Ông Hà chia ngành gỗ thành 4 chuỗi: gỗ tây cho người tây, gỗ ta cho người tây, gỗ tây cho người ta và gỗ ta cho người ta. “Nếu chính sách tiếp tục chú trọng xuất khẩu thì mới chỉ lo được 25% mục tiêu phát triển. Nhưng nếu Nhà nước đưa ra những chính sách phù hợp với đặc thù của từng chuỗi sẽ giúp toàn ngành tăng trưởng bền vững hơn”, ông Hà nói.
Dịch bệnh chưa kết thúc. Ông Hà đang thúc đẩy phát triển thị trường đồ gỗ trong nước, bắt đầu từ việc gỡ rối kênh phân phối, giảm thiểu chi phí mở cửa hàng bán lẻ cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, bán hàng với giá cạnh tranh. Chợ gỗ TAVICO cho phép ông Hà thực hiện kế hoạch này.
Nam Anh (Gỗ Việt số 131, tháng 03/2021)