Ngành Gỗ tính toán nhân sự và công nghệ cho sản xuất thời 4.0


Là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu mũi nhọn của Đồng Nai và cả nước, ngành Gỗ đang có cơ hội để chiếm lĩnh thị trường thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do. Để khai thác tốt thị trường, vấn đề đặt ra cho ngành Gỗ là nâng cao năng lực sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ và chuẩn bị nhân lực chất lượng vận hành tốt công nghệ ấy.

Doanh nghiệp, hội viên Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tham quan các hệ thống máy móc phục vụ cho việc tăng năng suất chất lượng sản xuất gỗ tại Trung tâm phân Phối nguyên liệu và máy móc của Công ty CP Tân Vĩnh Cửu. Ảnh: V.Gia

* Doanh nghiệp cần thay đổi trước

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.454 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ, trong đó có 904 doanh nghiệp (DN) và 550 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Trong số đó mới chỉ có 115/904 DN (chiếm 12,7%) có nhà máy đặt trong các khu và cụm công nghiệp tập trung. Các nhà máy này đa số là có vốn đầu tư nước ngoài, có quy mô vốn lớn, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và có kinh nghiệm sản xuất, sản phẩm của họ đều hướng đến xuất khẩu. Tính ra, số DN có nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chiếm tỷ lệ khá lớn (87,3%). Bên cạnh đó là những hạn chế về năng lực, năng suất sản xuất, công nghệ và nhân lực lành nghề cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành.
 

Doanh nghiệp, hội viên Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tham quan các hệ thống máy móc phục vụ cho việc tăng năng suất chất lượng sản xuất gỗ tại Trung tâm phân Phối nguyên liệu và máy móc của Công ty CP Tân Vĩnh Cửu.

Nói về năng suất sản xuất, theo ông Lê Phước Vân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn quản lý Hạnh Gia, Chủ nhiệm CLB Sản xuất tinh gọn ngành Gỗ Bình Dương thì qua việc đào tạo, tư vấn cho hơn 170 DN trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và một số tỉnh, thành, ông nhận thấy sản xuất trong ngành Gỗ hiện nay rất khác nhau ở các DN. Có những DN đạt năng suất 30-50 USD/công lao động nhưng cũng có đơn vị đạt 70 USD, thậm chí nhiều hơn. Điều này cho thấy chưa có sự đồng đều từ các DN, việc đầu tư để nâng cao năng suất là không giống nhau.
 

 

 

 


Muốn tăng năng suất, các DN cần phải trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là đầu tư vào thiết bị, dùng ngoại lực để gia tăng năng suất, thứ hai là quy chuẩn hóa sản xuất, chuẩn hóa các nguồn lực và cuối cùng mới tới đổi mới sáng tạo. Hiện nay, hầu hết các DN thường tập trung vào phần thiết bị công nghệ mà chưa chú trọng đúng mức các yếu tố còn lại trong khi đây mới là phần quyết định vì liên quan đến yếu tố con người.

Theo ông Nguyễn Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), trong bối cảnh thị trường gỗ đang phát triển mạnh, nhất là cơ hội xuất khẩu tới các nước như: Hoa Kỳ, châu Âu… thì DN luôn cần số lượng và chất lượng sản xuất ở mức cao. Vấn đề thay đổi tư duy quản trị DN, nâng cao hiệu quả sản xuất và ứng dụng những thành tựu công nghệ mới sẽ được Dowa phổ biến và hỗ trợ DN, hội viên tích cực thực hiện.

* Xây dựng đề án sản xuất bền vững

Theo Dowa, năm 2020, ngành Gỗ trải qua nhiều biến động, đặc biệt diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng rất lớn đến toàn cầu. Tuy nhiên, các DN ngành Gỗ đã nỗ lực hết mình và tăng trưởng rất mạnh cả về sản lượng và doanh thu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt gần 12,4 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2019. Dự tính năm 2021, ngành Gỗ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2020. Tại Đồng Nai, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng trên 11% so với năm 2019.

Tăng trưởng tốt nên các xưởng sản xuất, nhà máy mới ra đời, nhiều nhà máy đang tổ chức lại sản xuất và cải tiến dây chuyền công nghệ. Trong bối cảnh ngành Gỗ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại và tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực cao đóng vai trò rất quan trọng. Là địa phương có giá trị sản xuất gỗ lớn thứ 2 cả nước sau Bình Dương, các DN gỗ trên địa bàn tỉnh, nhất là khối DN nhỏ và vừa đang liên kết với nhau để tạo thành chuỗi sản xuất. Từ cung ứng nguyên liệu, nhập khẩu gỗ, máy móc thiết bị tới hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Dowa sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy DN, hội viên của mình nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục giữ vị thế là một trong những ngành sản xuất chủ lực của địa phương.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành, đề án Sản xuất, chế biến lâm sản bền vững trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2025, định hướng 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Ngành Gỗ tiếp tục được xác định là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ, đồng thời phát triển công nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn. Xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp chế biến gỗ ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Đề án cũng xác định hình thành cụm, điểm chế biến gỗ có quy mô thích hợp để liên doanh, liên kết theo hướng sản xuất chuyên môn hóa, vừa tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, vừa sản xuất phụ kiện cho các cơ sở khác trong vùng và là nơi đào tạo nguồn nhân lực. Đối với công nghệ, khuyến khích DN sử dụng thiết bị, công nghệ phù hợp với từng loại hình sản phẩm, chú trọng áp dụng công nghệ xử lý nâng cao chất lượng đồ gỗ, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và các công nghệ nhân tạo, thân thiện môi trường…



Các tin khác

Đối tác